Những ngày nắng nóng làm cho các bệnh viêm phổi ở trẻ có thể do virut hoặc vi khuẩn, như phế cầu khuẩn hay virut cúm, virut hợp bào phát triển mạnh… Khi các tác nhân mới xâm nhập vào cơ thể, các biểu hiện ban đầu là trẻ có sốt nhẹ hoặc sốt cao liên tục.
Viêm phổi:
Viêm phổi ở trẻ có thể do virut hoặc vi khuẩn, như phế cầu khuẩn hay virut cúm, virut hợp bào… Khi các tác nhân mới xâm nhập vào cơ thể, các biểu hiện ban đầu là trẻ có sốt nhẹ hoặc sốt cao liên tục, đau họng, ho húng hắng, chảy nước mắt, mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc… Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ diễn biến nặng hơn, trẻ sốt cao, li bì, ho tăng lên, có đờm, xuất hiện khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của viêm họng, ho, sổ mũi, quấy khóc, kém vui chơi cần chú ý chăm sóc trẻ tốt hơn, nếu các dấu hiệu bệnh qua một ngày mà không thuyên giảm cần phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế, tránh những diễn biến nặng của bệnh.
Sốt virut:
Trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho (thường có ít đờm trắng trong không có màu vàng, xanh). Trẻ có thể phát ban biểu hiện chủ yếu là các ban đỏ mịn, thường xuất hiện vào ngày thứ 2 – 4 của bệnh, ban thường tuần tự từ đầu mặt xuống thân mình, chân và khi mất đi cũng theo tuần tự tương tự. Bệnh thường diễn biến lành tính trong 3-5 ngày. Cần theo dõi để phát hiện các triệu chứng của viêm não như đau đầu, nôn nhiều, rối loạn ý thức, co giật, để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Tiêu chảy:
Thời tiết nắng nóng, ruồi nhặng phát triển, nguồn nước bị ô nhiễm, ăn hoa quả sống rửa không sạch. Nếu thấy các triệu chứng nổi bật như: Số lần đi đại tiện có thể ít (3-5 lần/ngày) hay nhiều (vài chục lần/ngày); Đau bụng (từng cơn hay liên tục, mót rặn hoặc đau quanh hậu môn); Buồn nôn hay nôn. Mất nước và điện giải (khát nước, khô miệng, mắt trũng, da nhăn, tứ chi lạnh, chuột rút, rối loạn nhịp tim, tiểu ít hay không nước tiểu…), trụy tim mạch (mạch nhanh và nhỏ, huyết áp thấp hay không đo được…) thì phải đưa bệnh nhân đến cơ sở để được cấp cứu kịp thời.
Ngộ độc thức ăn:
Thời tiết mùa hè rất dễ khiến thực phẩm bị hư hỏng, ôi thiu. Ngoài ra, thời tiết mùa hè nóng ẩm cũng tạo điều kiện cho ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến phát triển nhiều hơn nên càng dễ làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa, dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Say nắng:
Thời điểm nắng nóng gay gắt làm giãn mạch não gây ra tăng áp lực sọ và làm nhức đầu, có thể kèm theo nôn mửa hay hôn mê, co giật do ức chế vỏ não, làm tăng các hoạt động thần kinh tự động dưới vỏ. Người bị say nắng cũng rất nguy hiểm đến tính mạng.
Các bệnh về da:
Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao cộng với cường độ ánh sáng mạnh, da sẽ phải tăng cường sự tiết mồ hôi và thường xuyên tiếp xúc với một số loại tia sáng có hại trong ánh nắng như tia cực tím, tia tử ngoại. Do đó, thời tiết nắng nóng là cơ hội phát sinh một số bệnh da liễu nếu như không được bảo vệ tốt. Ở trẻ em, các bệnh da liễu thường gặp mùa nắng nóng là rôm sảy. Ở người lớn thường gặp bệnh viêm nang lông, mụn trứng cá, mụn ở lưng ngực, nhiễm trùng da, các bệnh viêm da dị ứng….