Chỉ số đường huyết (blood sugar) là nồng độ glucose trong máu. Đây là một trong những tiêu chí chính xác để bác sĩ chẩn đoán, điều trị và đánh giá điều trị đái tháo đường. Việc phát hiện chỉ số đường huyết bất thường giúp người bệnh đái tháo đường kịp thời điều chỉnh lại chế độ ăn uống, tập luyện để việc điều trị với thuốc đạt kết quả tốt.
1. Chỉ số đường huyết trong chẩn đoán xác định đái tháo đường.
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường (theo hiệp hội đái tháo đường Mỹ – ADA) dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:
a.Glucose huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Bệnh nhân phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ trước khi làm xét nghiệm đường huyết (thường phải nhịn đói qua đêm 8-14 giờ).
b.Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống ≥ 200mg/dl (hay 11,1 mmol/l).
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới: Bệnh nhân nhịn đói từ đêm trứơc khi làm nghiệm pháp, dùng một lượng glucose tương đương với 75g glucose, hòa tan trong 250-300 ml nước, uống trong 5 phút; trong 3 ngày trước đó, khẩu phần ăn của bệnh nhân có khoảng 150 – 200 gam carbohydrat mỗi ngày.
c.HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm này phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
HbA1c là một phức hợp do sự gắn kết của Hemoglobin (hem) và đường trong máu. Hem là huyết sắc tố trong hồng cầu có vai trò vận chuyển oxy trong cơ thể. Do đó HbA1c gắn liền với đời sống hồng cầu (120 ngày), HbA1c tỉ lệ thuận với nồng độ đường huyết, do đó là chỉ số chính xác để phản ánh mức độ kiểm soát đường huyết của bệnh nhân trong vòng 3 tháng.
d.Ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
Nếu không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết (bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân), xét nghiệm chẩn đoán a, b, d ở trên cần được thực hiện lặp lại lần 2 để xác định chẩn đoán. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần thứ nhất có thể từ 1 đến 7 ngày.
Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, thường dùng phương pháp đơn giản và hiệu quả để chẩn đoán đái tháo đường là định lượng glucose huyết tương lúc đói hai lần ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L).
2. Chẩn đoán TIỀN ĐÁI THÁO đường dựa vào các chỉ số đường huyết.
Tiền đái tháo đường có nghĩa là lượng đường trong máu cao hơn bình thường, nhưng nó chưa tăng đủ để được phân loại đái đường typ 2. Tuy nhiên, nếu không can thiệp, tiền đái tháo đường có thể trở thành đái tháo đường typ 2 trong vòng 10 năm hoặc ít hơn.
Chẩn đoán tiền đái tháo đường dựa vào các rối loạn về chỉ số đường huyết sau đây:
– Rối loạn glucose huyết đói: Glucose huyết tương lúc đói từ 100 (5,6mmol/L) đến 125 mg/dL (6,9 mmol/L), hoặc
– Rối loạn dung nạp glucose: Glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống 75 g, kết quả đường huyết đo được từ 140 (7.8 mmol/L) đến 199 mg/dL (11 mmol/L), hoặc
– HbA1c từ 5,7% (39 mmol/mol) đến 6,4% (47 mmol/mol).
Những tình trạng rối loạn glucose huyết này chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường.
Việc kiểm soát tốt chỉ số đường huyết sẽ làm kéo dài thời gian diễn ra biến chứng mạn tính bệnh tiểu đường như : bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh thận, bệnh võng mạc… Bệnh nhân đã bị đái tháo đường cần được kiểm tra đường huyết định kì tại các cơ sở y tế, điều này sẽ giúp bác sĩ phát hiện được những bất thường, kịp thời điều chỉnh liều thuốc uống hoặc insulin phù hợp, tránh để xảy ra các biến chứng hạ đường huyết khi lượng đường trong máu quá thấp, hoặc khi quá cao có thể dẫn đến nhiễm toan ceton gây nguy hiểm đến tính mạng.