Không ít người khi bị trầy xước ngoài da do va chạm, ngã xe… gặp phải tình trạng đau nhức viêm nhiễm, nhiễm trùng, sưng tấy, thậm chí hoại tử da vì chủ quan và chăm sóc không đúng cách. Nguyên nhân đôi khi là do cách xử trí sai lầm ban đầu như đổ oxy già lên vết thương, rắc thuốc kháng sinh, đắp lá thuốc, bôi povidine đậm đặc… và quan niệm “để hở vết thương cho vết thương mau khô lành”.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyền – Bệnh viện da liễu TW cho biết: ” Hàng ngày chúng tôi tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân có vấn đề về da, trong đó không ít trường hợp bệnh nhân bị trầy xước sâu ngoài da do ngã xe hoặc tai nạn lao động và chỉ đến bệnh viện khi da đã bị viêm nhiễm, hoại tử nặng do quá trình điều trị tại nhà.
Theo bác sĩ, có rất nhiều nguyên nhân khiến một vết thương hở bị nhiễm trùng. Nó có thể do vật gây ra vết thương bẩn, xử lý không đúng khi mới bị thương, để vết thương tiếp xúc với môi trường không sạch… Nhiễm trùng không chỉ làm vết thương lâu lành mà còn là nguyên nhân khiến những vết thương nhỏ gây hậu quả nghiêm trọng.
Thông thường sau khi bị tai nạn, có vết thương xây xát da dơ, nên xử trí theo các bước như sau:
– Cầm máu vết thương
– Mở vòi nước sinh hoạt ở nhà cho chảy liên tục lên vết thương vừa giúp giảm đau và dòng chảy nước sẽ làm trôi đất cát dơ. Có thể làm sạch tạm thời vết thương dưới dòng nước chảy bằng xà phòng tắm nếu vết thương quá dơ.
– Rửa lại vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc kết hợp với Povidine pha loãng.
– Đắp gạc Urgotul, hoặc bôi kem Healit, hoặc kem có kháng sinh (Fucidine, Tetra…).
– Sau đó đắp gạc vô trùng lên vết thương, dán băng keo (không băng quấn vết thương quá kỹ). Mục đích là tạo một lớp ẩm trên bề mặt vết xây xát da, giúp không đau, vết thương mềm mại không đóng mày khô, mau lành, hạn chế sẹo xấu.
* Lưu ý:
- Tuyệt đối không bôi nước mắm, dầu gió, xà bông bột, kem đánh răng, kem dưỡng da các loại, cây cỏ không rõ nguồn gốc lên vết thương hở.
- Cần hết sức chú ý trong giai đoạn làm sạch vết thương vì nếu để sót bụi bẩn, nhựa đường, các loại cỏ lá sẽ gây nhiễm trùng.
- Không lạm dụng thuốc oxy già, sẽ khiến vết thương lâu lành hơn.
- Đối với vết thương sâu và chảy máu nhiều, vết thương diện rộng, cần đến ngay cơ sở ý tế gần nhất để điều trị kịp thời.
- Khi vệ sinh vết thương hằng ngày nên cẩn thận và nhẹ tay, đừng làm tổn thương các lớp mô, da non vừa được tái tạo; lúc thay băng nên thấm nước ấm rồi nhẹ nhàng gỡ ra để tránh tổn thương thêm. Không bóc vẩy khô trên vết thương, nên để vảy tự bong sẽ không để lại sẹo xấu.
- Kết hợp ăn uống đủ chất, giàu đạm như thịt bò, thịt lợn để mô cơ mau lành, ăn nhiều hoa quả chứa vitamin C để tăng sức đề kháng.
Chúc bạn luôn khỏe mạnh !